.jpg)
NTTU – Bạn đã từng ngưỡng mộ những kỹ xảo tuyệt vời trong các thước phim Hollywood. Bạn đã từng ngỡ ngàng trước những video quảng cáo, parody,… “thần thánh”? Nếu là một game thủ hẳn bạn đã đôi lần thắc mắc game được làm nên như thế nào? Bạn cũng không ít lần thắc mắc làm thế nào để người ta có thể tổ chức một gameshow, một chương trình truyền hình thực tế? Để làm được những công việc vừa nêu trên chỉ có thể là những người học ngành Truyền thông đa phương tiện.
Học một ngành làm được nhiều nghề
Truyền thông đa phương tiện còn được gọi là “Mỹ thuật đa phương tiện”, là sự giao thoa đa dạng giữa truyền thông với công nghệ thông tin và mỹ thuật. Nói cách khác Truyền thông đa phương tiện là quy trình ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mang tính đa phương tiện, ứng dụng và tương tác trong các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, giáo dục và giải trí. Đây là một ngành nghề mới, phát triển vũ bão nhờ đôi cánh của cuộc cách mạng kỹ thuật 4.0; vì vậy còn được mệnh danh là “ngành nghề của thời đại”.
Để có thể học được ngành này bạn phải có sự sáng tạo, phải có đam mê, đặc biệt là cần một chút tinh thần lăn xả, “dám nghĩ dám làm” – nghĩa là dám thử thách bản thân với những ý tưởng mới mẻ. Học ngành Truyền thông đa phương tiện, bạn hoàn toàn có khả năng “đá” nhiều sân – từ báo chí, biên tập đến công nghệ thông tin, thiết kế và thậm chí “lấn” sang cả giải trí, nghệ thuật.
Chương trình đào tạo
Năm 2019, được phép của Bộ Giáo dục & Đào tạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành mở ngành Truyền thông đa Phương tiện ( mã ngành 7320104 ). Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị hệ thống kiến thức và kỹ năng thực hành trong các lĩnh vực Biên tập phim ảnh – Thiết kế kỹ xảo trong quảng cáo truyền hình – Thiết kế Website tương tác – Lập trình game – Thiết kế đồ họa – Lập trình web. Bên cạnh đó, sinh viên còn được đào tạo sử dụng thiết bị công nghệ thông tin với các phần mềm đặc biệt thiết kế trò chơi điện tử – Thực hiện phim hoạt hình 3D – Thiết kế kỹ xảo phim – Dựng video clip – Vẽ đồ họa kiến trúc, …Ngoài ra, sinh viên còn được tiếp cận những kỹ thuật xử lý hình ảnh, âm thanh, video; kỹ năng thiết kế, tạo ra các sản phẩm đồ họa phục vụ cho truyền thông, quảng cáo, giải trí; kỹ năng tạo ra sản phẩm đồ họa đa phương tiện tương tác như: Kỹ xảo điện ảnh, phim hoạt hình, game, website, đồ họa mô phỏng,… để có thể đáp ứng tốt và toàn diện những yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo và giải trí hiện đại.
Với đội ngũ giáo viên giàu chuyên môn nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức vững chắc, mới mẻ nhất về ngành học. Chương trình học có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia trong ngành là các nhà báo, biên tập viên và chuyên gia truyền thông có tiếng trong nước từ Đài Tiếng nói Nhân dân TP. HCM, Đài Phát thanh Truyền hình TP. HCM, báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng…
Cơ hội nghề nghiệp
Sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện khi tốt nghiệp có thể tự tin đảm nhiệm nhiều vị trí nghề nghiệp khác nhau. Các công việc cụ thể có thể “điểm danh” như Biên tập viên nội dung báo chí, phim quảng cáo, phim hoạt hình; Chuyên viên thiết kế sản phẩm truyền thông tại các công ty truyền thông, quảng cáo, đài truyền hình, nhà xuất bản; Thiết kế game; Thiết kế và xây dựng website (tại các công ty phát triển phần mềm, xây dựng website);… Tất cả cơ hội việc làm này đều mang đến cho các bạn mức lương đáng mơ ước trong bối cảnh “số hóa”, lĩnh vực nào cần đến nguồn nhân lực ngành Truyền thông đa phương tiện để có thể quảng bá thương hiệu, truyền tải thông điệp, nội dung một cách tinh tế, ấn tượng và hiệu quả nhất.
Phương thức xét tuyển
1. Xét kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2. Xét học bạ tổ hợp môn xét tuyển D01: Văn – Anh văn – Toán D14: Văn – Anh văn – Sử D15: Văn – Anh văn – Địa Hoặc điểm học bạ năm lớp 12 3. Xét tuyển theo kết quả kì thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia |